Friday 5 June 2015

Việt Nam Không Thể Ngồi Chờ Người Khác Cứu Mình

Trước hành vi lấn lướt suốt những năm gần đây, hầu như cả thế giới đểu nhận ra âm mưu lấn chiếm Biển Đông của Trung Cộng. Thế nhưng nước chủ nhà là Việt Nam lại tỏ ra rụt rè khiếp nhược, chỉ phản ứng chiếu lệ. Kính mời quí thính giả đón nghe bài quan điểm của LLCQ về thái độ không thích đáng này qua sự trình bày của Hải Nguyên.

Thưa quí thính giả,

            Vấn đề Biển Đông của Việt Nam bị Trung Cộng lấn chiếm qua từng giai đoạn, nổi bật là việc sử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974 do Việt Nam Cộng Hòa làm chủ, trong trận hải chiến ấy, quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh hải, và 74 chiến sĩ đã hy sinh tính mạng. Phản ứng của CS Bắc Việt là tán đồng hành vi thô bạo của Trung Cộng!

Tiếp đến TC đánh chiếm đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa năm 1988, nhưng bộ đội trấn đóng đảo này đã được lệnh không kháng cự, khiến 66 binh sĩ đã bị bắn gục. Đến nay TC đã chiếm một số đảo, và bồi đắp 7 bãi đá và rạng san hô thành những hải đảo nhân tạo, có diện tích lớn gấp trăm lần những đảo thiên nhiên, trên ấy TC đang mau chóng xây dựng những căn cứ quân sự.

Để xác định chủ quyền, TC đã thành lập huyện Tam Sa bao gồm toàn vùng Biển Đông của Việt Nam. TC đang ráo riết biến các hải đảo thành các trung tâm du lịch, nơi cư trú, đưa dân ra sinh sống. Lập các căn cứ quân sự, xây dựng phi trường có khả năng tiếp nhận nhiều loại máy bay quân sự và dân sự. Xây dựng cầu tàu, dinh thự kiên cố, lập kho dự trữ hàng hóa, tiếp liệu, vân vân.

Về phương diện kinh tế, tháng 5, 2014 TC đã đưa dàn khoan HD 981 vào thềm lục địa của VN để thăm dò dầu khí, và hàng năm còn ra lệnh cấm ngư dân VN không được đánh bắt hải sản từ tháng 5 đến tháng 8, ngay trong vùng nước sinh sống của ngư dân VN từ bao nhiêu thế kỷ qua.

Hôm trung tuần tháng 5, 2015 Hoa Kỳ phát hiện TC đã bố trí trọng pháo hạng nặng trên hải đảo nhân tạo tại Trường Sa. Tiếp theo có nhiều dấu chỉ cho thấy TC sẽ xác lập vùng nhận dạng phòng không, để kiểm soát không gian trên toàn vùng biển này. Đó có thể là hành vi thách thức cả cộng đồng quốc tế, đặt sự kiện tranh chấp trước một sự đã rồi.

Hiểu rõ tham vọng của TC muốn độc chiếm vùng biển quan trọng này, vì đây là một thủy lộ bận rộn bậc nhất trên thế giới, hàng năm vận chuyển hơn một nửa số hàng hóa xuất nhập khẩu trên thế giới, nên ảnh hưởng đến kinh tế của nhiều quốc gia, trong ấy có Hoa Kỳ. Nên chính quyền Obama dưới thời ngoại trưởng Hillary Clinton, năm 2011 đã chính thức lên tiếng cảnh báo TC rằng, Hoa Kỳ có quyền lợi kính tế quan trọng tại Biển Đông. Và để bảo đảm quyền lợi này, HK đang chuyển trọng tâm quân sự sang vùng Đông Nam Á.

Song song với chính sách lấn chiếm Biển Đông, TC cũng tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền trong vùng biển Hoa Đông, nơi có nhóm đảo Sankaku, còn gọi là Điếu Ngư Đài. Đây là một trong những lý do khiến Nhật Bản phải gia tăng khả năng quân sự, và thắt chặt mối liên kết với Hoa Kỳ và Philippines, để biến thành một liên minh quân sự chủ yếu trong vùng Á Châu Thái Bình Dương.

Trong hội nghị Shangri-La năm 2014, và mới cách đây mấy ngày cũng trong hội nghị này tại Singapore, các quốc gia có quyền lợi kinh tế, và an ninh liên quan đến vùng Biển Đông, đều có chung nhận định về thái độ gây hấn của TC. Ngoài những hành động cụ thể của HK như đưa máy bay tuần thám vào Biển Đông, trực tiếp dằn mặt và thách thức TC, khiến hai bên đã có lời qua tiếng lại khá gay gắt. Trong khi Nhật Bản, Philippines cũng có những phản ứng quyết liệt. Đặc biệt Úc Đại Lợi đã chính thức loan báo sẽ cho máy bay trinh sát bay trên vùng trời Biên Đông theo qui định quốc tế, động thái này cho thấy Úc đã sát cánh với các quốc gia có chung mối quan tâm đối với hành động gây hấn của TC.

Để diệu võ dương oai, TC vừa cho công bố “Sách Trắng” về quốc phòng năm 2015; đó là hành động có chủ ý, vừa muốn răn đe những nước nhỏ trong vùng, vừa muốn phô trương cho thế giới biết sự trỗi dậy của một cường quốc mới, đã sẵn sàng trở thành quốc gia số một, thay thế chỗ của Hoa Kỳ, trong tham vọng làm xoay chuyển cục diện toàn cầu. Song song với sự phô trương sức mạnh quân sự, nhất là lực lượng hải quân; TC cũng vừa thành lập ngân hàng Đầu Tư Phát Triển Hạ Tầng, mà đã có đến hơn 50 quốc gia tham dự, đó là cách TC muốn biến đồng Nhân Dân Tệ trở thành đồng tiền chung của thế giới thay cho đồng Đô La của HK.

Trước những biến chuyển dồn dập như vừa nêu trên, vị trí của Việt Nam đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, điều này được chứng minh bằng sự tiếp xúc liên tục giữa các chính khách HK với Hà Nội trong thời gian qua; lại được sự giúp đỡ cụ thể từ Nhật Bản và Hoa Kỳ nữa. Nhưng điều lạ lùng là Việt Nam xem ra đã không chia sẽ những quan ngại của những quốc gia khác, ngược lại vẫn tỏ ra né tránh, hoặc chỉ có những phản ứng chiếu lệ trước mỗi bước tiến mới của TC. Người ta chỉ nghe thấy những phản ứng cũ lặp đi lặp lại từ bao nhiêu năm qua đến nhàm chán.

Việt Nam phải biết rằng với vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực, khiến Bắc Phương thèm muốn, và đã có kế hoạch thôn tính từ hàng ngàn năm trước; nay với nhu cầu sinh tồn, TC cần vươn ra Thái Bình Dương, VN là cửa ngõ tốt nhất, thuận tiện nhất cho tham vọng này, nên họ phải đạt cho bằng được. Không thể đánh chiếm VN ngay bằng quân sự, thì từng bước lấn chiếm, những điều này ai cũng biết, chỉ có đảng CSVN là tảng lờ hay phản ứng chiếu lệ.

Đứng trước nguy cơ trước mắt, người VN không thể ngổi chờ người khác bảo vệ lãnh thổ lãnh hải của mình được. Mỗi quốc gia đều có quyền lợi riêng, vì quyền lợi và sự trường tồn của dân tộc, VN phải chủ động đứng thắng, tỏ rõ thái độ cương quyết trước sự uy hiếp của TC, thì các quốc gia khác mới có thể trợ giúp chúng ta được.

Và để đứng thẳng trước sự lấn hiếp của giặc phương Bắc, người dân Việt không còn lựa chọn nào khác ngoài loại trừ đảng cộng sản ra vị trí độc tôn lãnh đạo đất nước như hiện nay.

Cám ơn quí thính giả đã lắng nghe bài quan điểm của chúng tôi.

LLDTCNTQ