Tuesday 5 November 2013

"Cần Thơ Phố" - Trần Mộng Lâm


Một người bạn cũ, ở Cần Thơ năm cũ, nay đã định cư tại San Jose, California, mới đấy có gửi tiếp cho tôi mấy cái youtube nói về thành phố này. Đây là một loạt các đoạn phim thời sự ngắn nói về  những sinh hoạt, món ăn, dân tình thế thái của Tây Đô.

Cần Thơ là nơi mà tôi trải qua những năm tháng không thể nào quên trong quân ngũ.

Cần Thơ cũng là nơi tôi nằm bẹp trong khám lớn, hơn một năm trời sau 1975, trước khi vào U Minh.

Thơ người bạn viết cho tôi: Gửi anh, để xem lại những hình ảnh “quê mình”. Người bạn quên rằng nơi tôi sinh ra, cách Cần Thơ cả ngàn cây số về hướng bắc, song vì tôi hay viết về Miền Tây, và vì chúng tôi có với nhau nhiều kỷ niệm tại thành phố này, nên bạn tôi khi nói với tôi, vẫn dùng 2 tiếng “quê mình” dễ thương đó.

Nhưng mà sự háo hức của tôi nguội lạnh ngay khi xem những đoạn phim đó.

Chưa nói đến nội dung vội, vừa mở ra, tôi khựng ngay lại vì tựa đề của những đoạn phim tài liệu đó. Hình như nó đã được chiếu mỗi tuần tại Đài Truyền hình Cần Thơ, cho dân Cn Thơ xem, sau đó chuyn đi khắp các nơi trên thế giới, ở những chỗ có người Việt Nam ly hương, ở Ca Li, ở Montréal, ở Toronto, hay ở Paris, Melbourne.

Tôi khưng lại, vì tôi thấy cái tựa đề Cần Thơ Phố.

Cần Thơ Phố là cái quái, cái quỷ gì? Xin những người tự gọi là dân Cần Thơ giải thích cho tôi rõ, chứ theo chỗ tôi biết, thì chưa bao giờ dân ở đây sử dụng 3 chữ kỳ cục đó. Người ta gọi là Cần Thơ, cũng có khi gọi là Tây Đô, điều đó ai cũng hiểu.

Kỹ lưỡng hơn một chút, có thể viết là Thành Phố Cần Thơ, nhưng chưa bao giờ có 3 chữ Cần Thơ Phố.

Chữ “phố”, theo miền Bắc, có nghĩa là con đường, thí dụ như Phố Trần Hưng Đạo, người Miền Nam gọi là Đường Trần Hưng Đạo. Chữ “phố”, người miền Nam dùng để gọi một căn nhà, như phố trệt, là căn nhà 1 tầng, phố lầu, là căn nhà nhiều tầng. Đó là tôi hiểu như vậy.

Vậy Cần Thơ Phố, là nói cái gì ?? Nói về những con đường, những hang hóc của Cần Thơ, hay nói về những căn nhà của Cần Thơ.

Nhưng mà nói về căn nhà hay con đường, người Việt Nam cũng không bao giờ nói như vậy. Hay họ bắt chước người Anh, nếu như vậy, phải viết là Cantho’s phố mới đúng.

Thực ra bài viết này không phải để chẻ sợi tóc ra làm 3 hay làm 4. Đây chỉ là một trong những thí dụ tôi lấy ra để chứng tỏ một điều, là từ khi có Cộng Sản, văn hóa, chữ nghĩa của Việt Nam xuống dốc thê thảm, điển hình là tựa đề các bộ phim, truyện, hay tài liệu văn hóa.Tôi xin kể thêm vài tựa đề:

Đến Hẹn Lại Lên.
Bỗng Dưng Muốn Khóc.
Dù Gió Có Thổi
Cần Thơ Phố.
...........vân vân và vân vân....

Đọc các tựa đề này, chợt thấy buồn, bỗng dưng muốn khóc, khóc cho Việt Nam, khóc cho Miền Nam, khóc cho một nền văn hóa tốt đẹp, bị vùi dập, bị biến dạng, bởi một nền văn hóa quê mùa, đến từ  phương bắc, hoàn toàn xa lạ .


Văn Hóa Miền Nam, kể từ 1975, có tiến bộ, nhưng tiến bộ theo kiểu con tôm:  giật lùi, theo định hướng XHCN.  

Trần Mộng Lâm